Hiện nay, nhiều người kinh doanh đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực cho thuê nhà nguyên căn. Song, ngoài nguồn lợi nhuận thu được, chủ sở hữu căn nhà cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro cả về tài sản và pháp lý. Vậy làm thế nào để hạn chế rủi ro khi cho thuê nhà nguyên căn:
Đầu tiên, quy định rõ mục đích sử dụng
Điều này sẽ giúp chủ nhà có thể quản lý được tài sản của mình cũng như hạn chế những rắc rối xảy ra. Khi thuê nhà, người thuê có thể có rất nhiều mục đích khác nhau như: thuê để ở, thuê để kinh doanh, buôn bán, để làm văn phòng,... Mỗi mục đích sẽ có cách quản lý, sử dụng và mức độ rủi ro khác nhau. Vậy nên, khi thỏa thuận về vấn đề này, cần làm rõ mục đích sử dụng chi tiết của khách thuê khi thuê nhà nguyên căn của bạn.
Có rất nhiều trường hợp, bên cho thuê thiếu kinh nghiệm nên chỉ quy định mục đích sử dụng là để kinh doanh. Nhưng lại không có quy định chi tiết là kinh doanh mặt hàng nào, lĩnh vực gì… Do vậy, một số người thuê lợi dụng sơ hở đó để làm trái với thỏa thuận. Chẳng hạn, họ sử dụng ngôi nhà của bạn để sử dụng kinh doanh một số lĩnh vực bị pháp luật cấm. Trong một vài trường hợp, có thể chủ sở hữu căn nhà nguyên căn cũng sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm, chắc bạn không mong muốn mình lại gặp phải rủi ro như thế này chứ?
Còn có trường hợp khác, khách thuê dùng chính ngôi nhà đó của bạn cho người khác thuê. Điều này khiến cho bạn rất khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý hoạt động của ngôi nhà cũng như giải quyết, truy cứu trách nhiệm phát sinh có liên quan đến bên thứ ba.
Nên, hãy trở thành một người cho thuê nhà nguyên căn thông minh bằng cách quy định chi tiết, cụ thể mục đích sử dụng ngôi nhà của bạn.
Thứ hai, phải giới hạn số lượng người ở
Việc quy định về việc giới hạn số lượng người ở vừa giúp chủ nhà quản lý, bảo vệ tài sản vật chất, đảm bảo an ninh vừa hạn chế rủi ro pháp lý liên quan. Bởi số lượng người sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hao mòn tự nhiên của tài sản trong căn nhà, càng đông người thì mức độ sử dụng càng nhiều, độ hao mòn càng tăng.
Hơn nữa, khi cho khách thuê sử dụng, thông thường bạn sẽ là người có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho họ. Nếu số lượng người thuê nhà không nắm rõ, có thể bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề rắc rối phát sinh.
Thứ ba, yêu cầu khách hàng đặt cọc
Đây chính là khoản tài sản đảm bảo cho việc các bên thực hiện hợp đồng khi cho thuê nhà nguyên căn. Nếu bên thuê vi phạm hợp đồng, không thanh toán tiền nhà, làm hư hỏng đồ đạc… thì tiền đặt cọc chính là tài sản để bên thuê dùng để bù đắp cho các khoản đó.
Thứ tư, lập biên bản bàn giao hiện trạng nhà
Trong ngày bàn giao nhà cho khách thuê, chủ nhà cần lập biên bản bàn giao trang thiết bị, nội thất, hiện trạng căn nhà một cách cụ thể và chi tiết. Biên bản này sẽ là chứng cứ, là cơ sở để bên cho thuê nhà nguyên căn sử dụng khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến vật dụng, tài sản thuê. Ngoài ra, có thể chụp hình làm chứng cứ. Hoặc có thể thuê thừa phát lại lập vi bằng việc giao nhận nhà và tài sản đi kèm.
Thứ năm, quy định cách thức thanh toán
Pháp luật Việt Nam hiện nay cấm việc giao dịch bằng ngoại tệ, do đó cần quy định rõ đơn vị tiền tệ thanh toán là Việt Nam đồng. Bởi nếu thanh toán bằng ngoại tệ, hợp đồng sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Đồng thời, hai bên còn phải chịu trách nhiệm hành chính trước Nhà nước và pháp luật. Bạn nào đang có ý định cho thuê nhà nguyên căn hay các hình thức giao dịch khác nên lưu ý điều này để hạn chế rủi ro.
Cuối cùng, ký kết hợp đồng thuê nhà
Tất cả những thỏa thuận trên về việc cho thuê nhà nguyên căn cần được quy định chi tiết, cụ thể trong hợp đồng cho thuê nhà ở. Bởi hợp đồng là văn bản pháp lý duy nhất, ràng buộc quyền và trách nhiệm của hai bên. Nó cũng là cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, giúp hạn chế rủi ro đối đa cho bên thuê và bên cho thuê.
Với những chia sẻ trên, chúng tôi hy vọng đã mang đến thông tin hữu ích giúp bạn hạn chế rủi ro khi cho thuê nhà nguyên căn.
-Nguồn-Cat ST